Tin mới

Cẩn trọng khi "săn" bất động sản siêu rẻ

Trên thị trường thứ cấp đang xuất hiện tình trạng có những căn hộ dự án bán với giá siêu rẻ chỉ bằng một nửa giá ban đầu. Do đó, cũng xuất hiện một lượng không nhỏ nhà đầu tư "săn" loại BĐS bán tháo này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc mua loại căn hộ siêu rẻ này không đơn giản chỉ dựa vào giá cả bởi nó tiền ẩn rất nhiều rủi ro.

Anh Thiên, một nhà đầu tư sống tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM đang cân nhắc mua lại 5 căn hộ tại một dự án đang xây dở dang và bị đình trệ 5 năm trên đường Nam Hòa, quận 9.

Anh Thiện cho biết, nguyên nhân khiến anh mạo hiểm mua loại căn hộ này vì giá của nó quá rẻ, rẻ đến mức không thể tưởng tượng được. "Thời điểm "nóng sốt", 5 căn hộ này có giá 1.300 USD/m2, giờ giảm một nửa vì chưa biết khi nào dự án mới hoàn thành. Cũng biết là tiền nào của ấy, nhưng mà rẻ xuống 70% thì quá sốc nên tôi thử xem sao", nhà đầu tư này phân tích.

Chia sẻ với phóng viên, anh Thiện cho biết, người bán hàng cho anh làh cỗ quen biết, trước đây tham gia thi công dự án này. Chủ đầu tư không có tiền thanh toán tiền cho đơn vị thi công nên gán căn hộ để trả nợ. Người bán cho anh không muốn đau đầu vì kiện tụng, cũng muốn có tiền để đầu tư kênh khác nên bán rẻ như cho. Chỉ bỏ ra hơn chục tỷ bạc mà mua được 5 căn, dù biết là có nhiều rủi ro nhưng anh Thiện vẫn quyết mua bởi nếu không liều lĩnh thì chẳng bao giờ "săn" được món hàng hời như vậy. "Vả lại, tôi không ôm tất cả số căn hộ này một mình mà sẽ chia hàng lại cho người quen cho nên nếu có rủi ro thì cũng không bị nhiều", anh Thiên cho biết thêm.

Kế hoạch được nhà đầu tư này đặt ra là mua những loại căn hộ có giá siêu rẻ rồi chờ đợi những động thái của chủ đầu tư. Anh Thiện cho biết, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là dự án có thể bị kéo dài đến năm bảy năm nữa. Tuy nhiên, nhà đầu tư này sẵn sàng chấp nhận, miễn sao cuối cùng vẫn lấy được nhà. "Dự án đã xây xong phần thô, tôi tin chắc rằng hàng trăm khách hàng sẽ không để yên nếu chủ đầu tư tiếp tục né tránh. Chắc chắn dự ná sẽ được khởi động lại trong thời gian sớm", nhà đầu tư này phân tích.

Trường hợp nhà đầu tư đi "săn" BĐS siêu rẻ như anh Thiện không phải là hiếm. Có khá nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua loại hàng này. Quan điểm họ đưa ra là: "Phải tham lam khi người khác sợ hãi".

Anh Liêm, một nhà đầu tư khác ngụ tại quận Tân Bình, Tp.HCM cũng đã xuống tiền mua liền một lúc 3 căn hộ chung cư Gia Phú quận Thủ Đức khi được môi giới chào bán căn hộ từ một tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng một căn. Tính ra, với 1,5 tỷ đồng, nhà đầu tư này đã có trong tay 3 căn hộ. Anh Liêm khẳng định: "Tôi thừa biết hàng rẻ là hàng có vấn đề nhưng khi nó đã rẻ tới mức đáy rồi thì không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi khi mua nó nữa. Cũng giống như quy luật trên thị trường chứng khoán, có người bán tháo thì sẽ có người bắt đáy", anh Liêm giải thích.

Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản lại cho rằng, cần phải cẩn trọng khi mua căn hộ dự án bán tháo. Mua căn hộ loại này không phải chỉ dựa nguyên vào yếu tố giá cả, đã có nhiều ví dụ về việc tưởng mua được hàng rẻ lại hóa ra đắt trên thị trường thứ cấp.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Techcomreal trao đổi với phóng viên: "HIện nay, có không ít nhà đầu tư "săn" BĐS bán tháo với giá siêu rẻ nhưng tôi nghĩ đây không phải là một quyết định sáng suốt. Nên nhớ một quy luật, tiền nào thì của ấy. Cũng như thức ăn rẻ thì không thể đủ dưỡng chất, càng không thể bổ, nếu không muốn nói đến việc có thể gây hại cho sức khỏe. Do đó, các nhà đầu tư nên cảnh giác với kiểu bán tháo nhà đất kiểu này".

Đưa ra ví dụ chứng minh, ông Lộc cho biết, cách đây gần 2 năm sàn địa ốc của ông cũng được chào mời mua 5 căn hộ giảm giá 50%. Ban đầu ông cũng thấy "sốc" và lưu tâm đến, nhưng khi thẩm định dự án, nhận thấy mức giá bán quá vô lý nên ông đã từ chối mua. Và chỉ 12 tháng sau, trên thị trường xuất hiện hàng loạt thông tin các căn hộ này bị bán trùng cho nhiều người. Ông Lộc khẳng định: "Tôi vẫn giữ quan điểm của mình, BĐS không phải thị trường dành cho hàng đại hạ giá. Siêu rẻ sẽ gắn liền với siêu rủi ro".

Ông Lê Tấn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Lilama SHB cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tìm mua hàng rẻ có thể tìm đến những tài sản phát mãi của các ngân hàng. Loại hàng này đảm bảo yếu tố pháp lý và có rất nhiều loại hàng để người mua lựa chọn. Các nhà đầu tư không nhất thiết phải mạo hiểm gom BĐS trên thị trường thứ cấp khi không biết số phận dự án như thế nào trong tương lai.

                                                                                                                                                                       Buildtech.com.vn

Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao tại Hà Nội

Mới đây, cụm Tiểu thủ công nghiệp nhỏ Cầu Giấy đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Cầu Giấy (Hà Nội).

Với diện tích 8,35 ha, đây là khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Hà Nội trong lĩnh vực CNTT. Ông Vũ Ngọc Kỳ, Trưởng ban quản lý KCN CNTT tập trung Cầu Giấy cho biết, Việt Nam đã có 3 khu CNTT tập trung: Khu CNTT Đà Nẵng, Khu KCN phần mềm Quang Trung và Khu CNTT tập trung Cầu Giấy.

- Ông có thể cho biết doanh nghiệp sẽ được ưu đãi những gì khi đầu tư vào Khu CNTT Cầu Giấy không?

Vì là Khu CNTT đầu tiên của Hà Nội nên lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến việc thu hút nhà đầu tư vào KCN. Cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT sẽ được thành phố cho hưởng các ưu đãi như giảm, miễn thuế, tiền thuê đất (50% theo Điều 21, 22 của Nghị định 154/2013/NĐ-CP)... Đặc biệt, sẽ có lợi về thương hiệu khi làm việc với đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, đây là mô hình mới của Thủ đô, được đặt tại Cầu Giấy. Vì thế, thành phố sẽ khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh tại KCN bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính. Đồng thời, trong quá trình hoạt động thực tiễn, thành phố sẽ phối hợp với nhiều sở, ngành của Hà Nội nhằm tăng tính hấp dẫn, để thu hút đầu tư vào KCN.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội. Theo đó, Bộ trưởng đã đốc thúc Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, văn bản có liên quan theo hướng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT.

Thưa ông, tình hình thu hút đầu tư vào Khu CNTT tập trung sau 1 năm đi vào hoạt động như thế nào?

Với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy đã trở thành một khu tổ hợp văn phòng. Quy mô của Khu CNTT hiện nay là 8,35 ha được chia thành từng khu riêng biệt, Khu CNTT Cầu Giấy thu hút 285 doanh nghiệp tới thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh với 36 tòa nhà văn phòng. Cụ thể, có 85 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, Elcom, Viettel... với hơn 8.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực CNTT.

Khu CNTT tập trung Cầu Giấy sẽ cùng với Khu CNTT Đà Nẵng, Khu phần mềm Quang Trung tại Tp.HCM trở thành thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Có thể nói trong việc thu hút chất xám của cả nước, đây sẽ là mô hình thành công của Hà Nội và sẽ đóng góp lớn cho ngân sách của thành phố. Sắp tới, Hà Nội sẽ mở rộng thêm 3 khu nữa tại các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

- Xin ông cho biết, thời gian tới, định hướng thu hút đầu tư vào Khu CNTT tập trung Cầu Giấy là gìì?

Khu CNTT này sẽ tiếp tục mở rộng và thu hút các doanh nghiệp trong ngành CNTT... Trong khoảng 5 năm tới, dự kiến tỷ trọng doanh nghiệp CNTT và lĩnh vực liên quan phụ trợ có hoạt động trong Khu phấn đấu đạt khoảng 80% số doanh nghiệp. Về tỷ trọng nhân lực CNTT, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng lên 70-80% số lao động. Đặc biệt, tại các khu vực lân cận, sẽ tiến tới hình thành mạng lưới doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển các sản phẩm phụ trợ và trong quận Cầu Giấy sẽ hình thành mạng lưới phát triển.

Hiện nay, TP.Hà Nội đang tập trung thu hút đầu tư từ đối tác Nhật Bản, thời gian tới, hy vọng chúng tôi sẽ thúc đẩy kênh quảng bá, tuyên truyền Khu CNTT tới thị trường Nhật Bản và thu hút đầu tư mạnh hơn nữa từ thị trường này.

- TP.Hà Nội cần có những hỗ trợ gì nữa nhằm tăng tốc phát triển Khu CNTT tập trung Cầu Giấy?

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư cũng như hoàn thiện bộ máy tổ chức của Ban quản lý Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, trong buổi làm việc với TP.Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều khiến nghị.

Cụ thể, hiện tại chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời, chỉ đạo sát sao để giải quyết những vướng mắc của Ban lãnh đạo quận Cầu Giấy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ban, ngành của thành phố. Vì thế, dù mới hoạt động nhưng hiệu quả của KCN này đã thấy rõ rệt. Khu CNTT tập trung này đã đưa quận Cầu Giấy trở thành "mốc son" góp phần làm sáng "bức tranh" kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Vừa qua, tin vui là TP.Hà Nội đã quyết định đầu tư 30 tỷ đồng để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng Khu CNTT tập trung Cầu Giấy. Hiện nay, thành phố cũng đang yêu cầu các sở, ngành tập trung nghiên cứu các chính sách, cơ chế cũng như mô hình hợp lý đối với Khu CNTT tập trung đầu tiên của Hà Nôi, giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối.

Hà Nội xác định đến năm 2015 sẽ đưa lĩnh vực CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

                                                                                                                                                                                            Buildtech.com.vn

Chung cư mini tại Hà Nội vẫn "hút" khách mua

Bỏ qua những băn khoăn về pháp lý, nhiều người vẫn quay lại với chung cư mini để có chỗ ở trước mắt vì loại căn hộ này có giá hấp dẫn, hợp túi tiền, có nhà ở ngay và gần trung tâm.

Chị Lê Hương, người vừa quyết định bỏ tiền mua căn hộ chung cư mini 47m2 ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Do tài chính có hạn nên gia đình chị quyết định mua căn hộ chung cư mini với số tiền là 770 triệu đồng.

“Căn hộ tôi mua ở tầng 6, có 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh, có thang máy và khá thoáng. Nếu sau này có cơ hội mua nhà đất thì tính sau. Mua chung cư lúc này là chịu thiệt nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định "xuống" tiền vì không phải đi vay mượn tiền”, chị Hương nói.

Trước khi chọn mua căn hộ mini này, vợ chồng chị Hương cũng đã tham khảo nhiều dự án chung cư thương mại khác trên địa bàn Hà Nội, cũng có tìm hiểu về dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cuối cùng gia đình chị vẫn chọn mua chung cư mini vì nó gần trung tâm, thuận tiện cho việc sinh hoạt và đi làm của cả hai vợ chồng.

Chị Hương cũng cho biết thêm: “Chủ dự án có hứa sau 1 năm sẽ làm sổ đỏ nhưng tôi cũng không hi vọng nhiều. Vợ chồng tôi mua để giải quyết khâu chỗ ở trước mắt. Sau này nếu có điều kiện mua nhà khác thì sẽ cho thuê chỗ này".

Hiện nay giao dịch tại phân khúc chung cư mini vẫn khá ổn định, có lẽ vì có nhiều người có suy nghĩ như chị Hương.

Một nhân viên môi giới loại căn hộ này tiết lộ với phóng viên: Giao dịch của loại căn hộ này hiện vẫn tốt, lý do là vì ở những khu vực trung tâm thì chỉ có chung cư mini mới phù hợp với người có thu nhập trung bình . Hiện nay, mức giá của loại căn hộ này dao động ở khoảng 14 - 20 triệu đồng/m2, tùy vị trí"

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nam Sơn, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Bất động sản và Dịch vụ Địa chính Hà Nội cho biết: Loại hình căn hộ mini vẫn bán túc tắc, khách mua loại căn hộ này trải đều ở các khu vực của Hà Nội do nhu cầu, chỗ làm việc khác nhau.

Khi được hỏi về việc liệu chung cư mini có bị ảnh hưởng khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dự án chung cư thương mại có giá bình dân, ông Sơn khẳng định: "Tôi nghĩ là không ảnh hưởng bởi mỗi loại hình căn hộ lại có ưu điểm riêng. Chung cư thương mại thường có mật độ dân cư đông. Đã có dự án bị mất điện, mất nước khiến người dân chán nản. Còn chung cư mini thì gần như nhà thổ cư nên ổn định hơn về vấn đề này".

Kết quả khảo sát của phóng viên cho thấy, tại nhiều khu vực có chung cư mini tại Hà Nội như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, hầu như không còn căn hộ trống, nếu chưa bán hết thì cũng đã có người thuê.

Chị Thanh Thảo, sống tại căn hộ mini trên đường Khương Đình cho biết, gia đình chị mua căn hộ này cách đây 1 năm với giá hơn 1 tỷ đồng. "Với số tiền này mua nhà đất thì không đủ, mua chung cư thương mại đã hoàn thành thì chỉ đủ một nửa. Với 1 tỷ đồng thì chỉ có thể mua nhà ở xã hội nhưng cũng phải chờ đợi và thủ tục phức tạp nên tôi quyết định mua chung cư mini. Sau 1 năm, giá bán không tăng lên bao nhiêu nhưng khá nhiều người hỏi mua hoặc thuê lại", chị Thảo vui vẻ chia sẻ.

Trao đổi với ông Sơn về thắc mắc tại sao chung cư mini hiện nay chưa được cấp sổ đỏ mà nhiều người vẫn lựa chọn mua, ông Sơn cho rằng: Một phần do đối tượng mua quá dễ hoặc chưa am hiểu về pháp lý. Ngoài ra một số dự án chung cư mini có vị trí khá tốt, gần trung tâm nên người dân vẫn lựa chọn mua.

Ông Sơn cũng nhận định, trong tương lai gần, chung cư mini vẫn sẽ phát triển mạnh bởi thu nhập của đa số người dân vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, nếu chung cư mini chỉ cạnh tranh ở khía cạnh giá thì sẽ không bền.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND. Trong đó, tại Điều 22 quy định: Chung cư mini là loại hình nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên, mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên. Mỗi căn hộ được xây dựng, thiết kế theo kiểu khép kín mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở.

Ngoài ra, nếu chung cư mini được xây dựng đúng theo quy chuẩn, quy hoạch thì sẽ được cấp giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung. Nếu chung cư mini xây dựng không phép, sai phép thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận.

                                                                                                                                                                    Buildtech.com.vn

Nhiều dự án BĐS lớn tại Đà Nẵng dậm chân tại chỗ

Người dân trong vùng dự án và chính quyền Đà Nẵng đang vô cùng khốn đốn vì nhiều dự án BĐS có quy mô hàng ngàn tỉ đồng đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy.

Chiếc "bánh vẽ" - "thung lũng silicon" của Đà Nẵng

Khung cảnh Dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung TP.Đà Nẵng (Khu CNTTTT) tại huyện Hòa Vang do Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates (Mỹ) làm chủ đầu tư vô cùng hoang tàn với những ngôi nhà của người dân bị đập phá để lấy đất thực hiện dự án. Giữa khung cảnh đó, không có bất kỳ công nhân hay máy móc nào hoạt động.

Ông Trần Bê, một người dân ở thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên cho biết: "Do chủ đầu tư không chịu trả tiền nên bốn đội thầu thi công đã bỏ chạy. Có đơn vị thi công phải bán cả xe để trả tiền lương cho công nhân. Nhiều công nhân cố cầm cự, phải tự bỏ tiền túi để sinh hoạt nhưng cuối cùng cũng không chịu nổi nên bỏ đi hết".

Được khởi công từ năm 2013, Dự án Khu CNTTTT có vốn đầu tư lên tới 278 triệu USD, với diện tích quy hoạch lên tới hơn 340 ha, được kỳ vọng là Khu CNTTTT mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng. Chủ đầu tư hứa hẹn, đây "sẽ là một thung lũng silicon của Đà Nẵng. Nó sẽ thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, doanh nghiệp… nước ngoài đến làm việc". Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chỉ là "bánh vẽ".

Dự án khu dân cư tại Đà Nẵng nợ ngập đầu!

Ở Đà Nẵng còn có hai dự án lớn của Tân Cường Thành đang trong cảnh nợ nần là dự án khu dân cư Liên Chiểu và dự án khu đô thị Thien Park.

Khi dự án mới được khởi động, công ty này đã vẽ ra dự án với sự bề thế, khang trang, nhưng đến nay đây vẫn chỉ là khu đất bỏ không, cây dại mọc um tùm. Thăm quan mặt bằng dự án Khu đô thị Thien Park (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), rất dễ nhận thấy tình trạng bỏ hoang của hàng trăm hecta đất. Hạ tầng kỹ thuật của dự án vẫn không có gì ngoài những con đường nhỏ đổ sỏi dăm và mấy bệ bê tông.

Ban đầu, chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Tân Cường Thành quảng cáo, dự án có tổng diện tích hơn 150 ha được chia làm ba phân khu chính, trong đó có khu biệt thự hạng sang. Dự án được đầu tư với tổng vốn là hơn 1.600 tỉ đồng. Với quy mô hoành tráng như vậy, nhiều nhà đầu tư từ các địa phương khác như Hà Nội, Tp.HCM… đã đổ xô về đây mua đất. Thế nhưng, đã qua 3 năm, những người mua vẫn mòn mỏi chờ sổ đỏ của mảnh đất mà mình đã đổ vốn vào.

Phóng viên tìm hiểu và được biết, dù công ty này bán đất và thu tiền của người mua từ năm 2011 nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất cho TP.Đà Nẵng. Tổng số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp này nợ lên tới 92 tỷ đồng. Số tiền mà doanh nghiệp nợ lên đến hơn 92 tỉ đồng. Do đó, cuối tháng 8/2014, TP.Đà Nẵng đã hủy bỏ toàn bộ chủ trương giao gần 80 ha đất cho công ty này thực hiện dự án Khu dân cư Tân Hải Doanh ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Dân lãnh đủ, chính quyền Đà Nẵng gặp khó

Liên quan đến Dự án Khu CNTTTT, ông Trần Bê kể: Nhà của tôi bị giải tỏa từ năm 2011 để nhường đất cho dự án. Số tiền bồi thường thu hồi đất chỉ đủ mua lại nền tái định cư, xây nhà mới và cầm cự trong một thời gian ngắn là hết sạch. "Cứ ngỡ sau khi dự án lớn này được xây dựng ở đây cuộc sống của người dân sẽ khá hơn nhưng giờ lại quá tệ. Gia đình tôi phải đi mót gạch (tại những ngôi nhà bị đập bỏ nhường đất cho dự án) kiếm sống", ông Bê nói.

Ông Trần Đá, bạn mót gạch cùng ông Bê, cho biết: "Trước đây gia đình tôi xuống khu tái định cư được hội nông dân chỉ cách làm nấm nhưng chẳng ai mua. Vậy nên gia đình tôi lại kéo nhau về nhà cũ cuốc đất trồng rau, dựng tạm cái chuồng nuôi bò, nuôi vịt kiếm cái ăn".

Còn ông Bùi Hữu Huỳnh (57 tuổi, ngụ tại thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên) cho biết: "Cầm mấy trăm triệu đồng tiền bồi thường, sau ba năm, tiền đã tiêu hết, giờ nghèo vẫn hoàn nghèo. Ban ngày tôi lại quay về nhà cũ thả gà, nuôi vịt vì ở khu tái định cư chẳng biết làm gì. Nhà tái định cư cứ như nhà trọ vì chỉ tối ngủ mới quay về đó".

Còn đối với những người dân trót mua đất tại dự án nhà ở của Công ty Tân Cường Thành, do chưa có giấy đỏ nên người dân không thể xây nhà. Một số người liều xây nhà nhưng lại nơm nớp lo sợ. Ban quản lý dự án đã bỏ chạy, văn phòng đại diện của công ty cũng không còn. Bản thân chính quyền Đà Nẵng cũng băn khoăn vì không biết giải quyết quyền lợi của người dân trong trường hợp này như thế nào.

Đều do khâu quản lý lỏng lẻo?

Trao đổi với phóng viên về sự tháo chạy của chủ đầu tư các dự án BĐS, TS.Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng lý giải: Nguyên nhân là do thị trường BĐS ở Đà Nẵng đã bắt đầu bão hòa, nhiều dự án không thu hút được nhà đầu tư. Thêm vào đó, nền kinh tế bị suy thoái dẫn đến các dự án lớn, các chủ đầu tư đều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần kiểm soát, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp gom tiền của người dân, nợ thuế của Nhà nước rồi ôm tiền tháo chạy như trường hợp Công ty Tân Cường Thành.

Liên quan đến Khu CNTTTT, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho hay: Do gặp khó khăn về vốn nên chủ đầu tư dự án gần như hoãn tiến độ thực hiện dự án này. Còn về việc nhà đầu tư này có bỏ chạy hay không thì lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định là không sợ vì nếu bỏ chạy, họ sẽ mất không gần 30 tỷ đã bỏ ra để san lấp mặt bằng và mất uy tín cũng như cơ hội tạo ra lợi nhuận.

Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án trại Đà Nẵng bị "treo" một phần lớn chính là do sự quản lý lỏng lẻo, không kiểm định chính xác năng lực tài chính chủ đầu tư của cơ quan chức năng tại địa phương.

                                                                                                                                                                           Buildtech.com.vn

Nhiều địa phương đưa ra cảnh báo đối với dự án FDI

Nhiều địa phương tiếp tục đưa ra lời cảnh báo đối với một số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nếu các dự án này tiếp tục triển khai sẽ bị thu hồi ngay lập tức.

Cuối tuần qua, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã tổ chức cuộc họp để đi tới quyết định về việc thu hồi đất Dự án Biển Rạng của Công ty Philand. Đây cũng gần như là bước đi cuối cùng trong quy trình thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Biển Rạng. Dự án này vào cuối năm ngoái đã bị tỉnh Quảng Nam quyết định chấm dứt đầu tư.

Chủ đầu tư dự án này được nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2007 sau đó được khởi công xây dựng vào cuối tháng 7/2011. Dự án được đầu tư với số vốn lên tới 30 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn bị đình trệ, đến nay vẫn là một bãi đất trống. Chủ đầu tư không thể trả lời cho câu hỏi khi nào dự án được tiếp tục triển khai cũng như không thể trả lời thuyết phục về lý do dự án bị chậm tiến độ. Do đó, Quảng Nam đã phải định đoạt số phận dự án "rùa bò" này

Nếu như Dự án Biển Rạng đã được định đoạt số phận thì vẫn còn rất nhiều dự án FDI khác vẫn tiếp tục nhận được lời cảnh báo thu hồi, nhưng sau đó vẫn được gia hạn tiếp.

Một cái tên tiêu biểu được nhắc đến là Dự án Giấy và Bột giấy của nhà đầu tư Lee&Man với tổng số vốn đầu tư trên 620 triệu USD. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2007 và dự kiến năm 2009 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án này liên tục bị trì hoãn và đã nhiều lần bị UBND tỉnh Hậu Giang cảnh báo thu hồi. Từ năm 2011 đến nay, Lee&Man liên tục xin gia hạn, rồi lại cam kết. Lần xin gia hạn gần nhất của Lee&Man là cuối năm 2014 với cam kết khởi công lại Dự án vào tháng 4/2014 và hoàn thành vào năm 2015.

Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua đã diễn ra buổi làm việc giữa Lee&Man và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, theo đó, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang đã một lần nữa cảnh báo về việc dự án này tiếp tục chậm trễ triển khai. “Dù Lee&Man đã làm được một số việc để triển khai dự án nhưng tốc độ như vậy là quá chậm so với tiến độ cam kết và nguyên nhân chậm tiến độ lại hoàn toàn thuộc về phía Lee&Man".

Lại một lần nữa, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản giải trình những mặt được và chưa được, nguyên nhân chậm tiến độ. Ngoài ra tỉnh chốt thời hạn cho chủ đầu tư đến cuối năm phải khởi công tòa nhà văn phòng và xưởng sản xuất.

Chưa thể chắc chắn việc triển khai dự án có được thực hiện đúng như cam kết của chủ đầu tư hay không, nhưng rõ ràng, việc triển khai dự án này quá chậm trễ. Hệ lụy là 270 ha đất của dự án bị bỏ hoang nhiều năm, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, một dự án khác cũng bị đưa ra "cảnh báo đỏ" là Dự án Điện gió Phước Nam - Emfinity của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ). Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2011 với tổng số vốn đăng ký lên tới 266 triệu USD, tuy nhiên, đến hiện tại dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để bắt đầu triển khai khởi công.

Trong cam kết với chính quyền địa phương vào cuối năm 2011, nhà đầu tư này khẳng định, dự án sẽ được triển khai vàocuối năm 2012. Thế nhưng thực tế là họ vẫn tiếp tục thất hứa. Mới đây, chủ đầu tư dự án này lại tiếp tục xin gia hạn.

Tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho dự án được phép gia hạn, tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã yêu cầu nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện việc ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án. Đây là cơ sở để Ninh Thuận ký chứng nhận đầu tư điều chỉnh về tiến độ thực hiện Dự án.

“Nếu nhà đầu tư tiếp tục không đảm bảo những gì họ cam kết, tỉnh sẽ xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Nghị thẳng thắn bày tỏ. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, tập trung nguồn lực để triển khai dự án, đưa nhà máy vào hoạt động vào tháng 12/2016.

Trong khi đó, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) cho biết  đang rất khá đau đầu với Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội. Dự án này đăng ký vốn đầu tư là 250 triệu USD. Tháng 9/2014 chủ đầu tư phải nộp thuê đất, nếu không tỉnh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Một lần nữa, chủ đầu tư dự án là Công ty Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ lại xin gia hạn, xin nộp tiền thuê đất vào cuối tháng 12/2014.

Ông Lý cho biết: “Chủ đầu tư đang thực hiện việc phát hành trái phiếu để vừa có tiền chi trả tiền thuê đất, vừa bổ sung vốn đầu tư cho Dự án”. Tính đến thời điểm này, Công ty Việt - Mỹ đã đổ vào dự án này trên 100 tỷ đồng.

Nhắc nhở, cảnh báo rồi thu hồi, đó là lộ trình đang được nhiều địa phương áp dụng cho những dự án FDI chậm tiến độ kéo dài. Việc khó khăn của chủ đầu tư trong bối cảnh hiện nay được thông cảm là điều dễ hiểu, tuy nhiên, việc liên tục cảnh báo rồi sau đó gia hạn sẽ khiến hiệu lực thi hành chính sách bị giảm tính hiệu quả và rất dễ tạo ra tiền lệ xấu. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải cương quyết thu hồi các dự án chậm trễ để dành cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực và nhu cầu.

                                                                                                                                                    Buildtech.com.vn

Login Form