Bên cạnh đó, chính sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và lượng vốn tín dụng BĐS càng kích thích nhiều doanh nghiệp cạnh tranh ở phân khúc này.
Ngoài những chủ đầu tư lớn về đầu tư xây dựng nhà giá rẻ, một số "đại gia" thuộc dòng sản phẩm cao cấp cũng đang dần tham gia cạnh tranh ở phân khúc này. Do đó đã tạo nên một cuộc chiến quyết liệt của nhiều doanh nghiệp trong cùng phân khúc, khiến nguồn cung nhà giá rẻ tăng lên nhanh chóng. Đây là cơ hội tốt để người mua có điều kiện lựa chọn được căn hộ có vị trí tốt nhất, giá cả lại phù hợp nhất với khả năng tài chính của mình.
Đại diện một số chủ đầu tư dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội cho rằng, yếu tố quyết định việc dự án bán chạy hay không chính là tiến độ xây dựng dự án nhanh; giá cả phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiết kế căn hộ và các tiện ích tối ưu để đảm bảo chất lượng sống tốt nhất cho cư dân.
Trên thực tế, nhờ sự xuất hiện của hàng loạt các dự án nhà ở giá thấp và trung bình cùng với sự tiếp sức của các ngân hàng thông qua gói hỗ trợ tín dụng, rất nhiều người làm công ăn lương đã có thể chạm tay tới giấc mơ sở hữu một căn nhà cho chính mình tại các TP lớn như Hà Nội, Tp.HCM...
Bên cạnh các dự án nhà ở xã hội (NOXH) tại KĐT Đặng Xá (Gia Lâm) của Viglacera với mức giá dưới 10 triệu đồng/m2 thì gần đây nhất, thị trường BĐS Hà Nội lại tiếp tục đón nhận các dự án chung cư có mức giá chỉ xoay quanh 10 triệu đồng/m2. Đó là dự án Thanh Hà - Cienco 5 (Hà Đông), dự án chung cư Bamboo Garden tại KĐT Sunny Garden City (Sài Sơn, Quốc Oai) của CEO Group. Các căn hộ tại đây có giá từ 480 triệu đồng đến hơn 657 triệu đồng, diện tích mỗi căn từ 48m2 đến 66m2...
Có thể thấy, những dự án trên được các chủ đầu tư đưa ra mức giá bán rẻ như vậy là bởi các chung cư ở đây được thiết kế chiều cao vừa phải (từ 6 - 17 tầng), diện tích khá hợp lý, tiến độ thi công nhanh… nên chi phí đầu tư thấp, theo đó giá bán sẽ rẻ hơn. Hơn nữa, các khách hàng mua nhà tại các dự án này có thể vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để người dân tin tưởng hơn khi lựa chọn chỗ “an cư” cho mình.
Chị Nguyễn Tú Anh (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) hiện đang là giáo viên mầm non, mức thu nhập hàng tháng của chị khoảng 4 triệu đồng, cộng với lương nhân viên kinh doanh của chồng chị khoảng 8 triệu đồng. Sau khi tích góp trong nhiều năm, anh chị đã có một khoản tiết kiệm nhỏ và tính tới việc mua một căn hộ phù hợp để chấm dứt cảnh phải đi thuê nhà.
“Sau một thời gian tìm hiểu, với số tiền dành vợ chồng tôi có, chung cư cao cấp thì ngoài khả năng nên gia đình tôi quyết định chọn dự án nhà ở thương mại giá rẻ, với mức giá dưới 15 triệu đồng/m2. Do được vay từ gói 30.000 tỷ đồng nên dù lương không cao, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo thu đủ chi trong tháng”, chị Tú Anh cho biết.
Nhìn nhận về thị trường BĐS trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng nhận định: "Thị trường BĐS đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện qua giá cả giữ ổn định, tính thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý, lượng hàng tồn kho liên tục giảm, niềm tin vào thị trường được hồi phục".
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng, thị trường BĐS sẽ phục hồi nếu đặt trọng tâm gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ vào nhà thương mại giá rẻ hoặc nhà ở phổ cập (tức là loại căn hộ bán với mức giá từ 10 - 15 triệu/m2) do chủ đầu tự định giá. Đơn vị nào thực hiện đúng các điều kiện vay của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì sẽ được vay vốn hỗ trợ, còn bán quá mức giá đó thì sẽ không được vay.
Lý do là bên cạnh điều kiện vay mua NOXH còn nhiều vướng mắc, thì điều kiện vay vốn để mua nhà ở thương mại giá rẻ do không phải chứng minh thu nhập, không khống chế mức thu nhập, người dân chỉ phải xác nhận tình trạng nhà ở nên người mua nhà sẽ dễ dàng hơn trong việc vay tiền. Giải pháp này vừa giúp những người lao động có khó khăn về nhà ở cải thiện được chỗ ở, vừa giúp kích cầu thị trường BĐS, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển phân khúc sản phẩm nhà ở thương mại trung bình và thấp. Đây là loại hình nhà ở mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, phát triển thành công trong thời gian qua...
Buildtech.com.vn