Nợ tiền sử dụng đất, doanh nghiệp đưa ra 1.001 lý do xin hoãn

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có tới 72 dự án nợ tiền sử dụng đất với số tiền 3.153 tỷ đồng. Với các dự án chưa triển khai, việc chủ đầu tư xin chậm nộp thuế có thể thông cảm được, nhưng với những dự án đang thu tiền từ việc bán căn hộ thì việc xin nợ của doanh nghiệp khó có thể chấp nhận được.

Doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất đổ lỗi cho kinh tế khó khăn

Hiện có 72 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang nợ 3.153 tỷ đồng tiền sử dụng đất của ngân sách Nhà nước. Trong đó, một số doanh nghiệp nợ ngân sách Nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng như: Dự án tòa nhà hỗn hợp, chung cư kết hợp biệt thự cho thuê do Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu nợ làm chủ đầu tư hiện nợ 322 tỷ đồng; Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư nợ 142 tỷ đồng; Dự án tòa nhà chung cư, văn phòng hỗn hợp do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư nợ hơn 70 tỷ đồng.

Trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp BĐS, trong đó có chính sách giãn, giảm, hoãn nợ tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có động thái hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Dù cơ quan Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp như cưỡng chế nợ, phối hợp với chính quyền các địa phương để đôn đốc các doanh nghiệp nhưng tình trạng nợ thuế tại các dự án BĐS vẫn là vấn đề nhức nhối.

Công ty TNHH Thăng Long hiện nợ gần 24 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại 2 dự án là Dự án trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và Dự án khu nhà ở bán cho cán bộ Cục cảnh sát điều tra ma túy. Trong khi đó, dự án tại P.Yên Hòa cảu chủ đầu tư này hiện đang được thi công và bán cho khách hàng. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trước khi tiến hành bán căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, tại dự án này, chủ đầu tư vừa xin hoãn vừa bán căn hộ.

Trả lời về vấn đề này, ông Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long Trương Văn Đức cho biết: Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, giao dịch BĐS vẫn trầm lắng, dự án của đơn vị đang xin xác định lại tiền chuyển mục đích sử dụng phần đất chuyển đổi từ chức năng văn phòng sang nhà ở theo Quyết định số 6659 của UBND TP. Hà Nội. Con số nợ của Công ty chỉ gần 20 tỷ đồng và hiện Công ty đã có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội xin giãn, hoãn đến hết tháng 7/2015 sẽ trả hết nợ".

Cũng với lý do kinh tế khó khăn, chủ đầu tư không bán được hàng, chủ đầu tư dự án số 12 ngõ 115 phố Định Công (Hoàng Mai) cho biết: Dự án đang tiến hành xây dựng thì bị đình chỉ do phát sinh khiếu kiện, không phải doanh nghiệp chúng tôi không muốn nộp thuế mà đây là yếu tố khách quan.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội, chủ đầu tư dự án Diamond Flower Tower chia sẻ: Hiện dự án này còn nợ hơn 100 tỷ tiền thuế, số tiền đó với chúng tôi không lớn nhưng nền kinh tế hiện nay quá khó khăn. Dự án sẽ bàn giao căn hộ vào tháng 8/2015, tôi cam đoan tháng 8 doanh nghiệp sẽ trả hết nợ cho Nhà nước”.

Nộp tiền sử dụng đất là nghĩa vụ của doanh nghiệp

Chủ đầu tư dự án KĐT Đại Kim và dự án nhà ở Công an Q.Hoàng Mai cho biết, dự án đã hoàn thành nhưng hiện vẫn đang nợ tiền sử dụng đất hơn 60 tỷ đồng. Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, Công ty Hoàng Hà sẽ bỏ số vốn 1.300 tỷ đồng làm đường vành đai 2,5 đoạn từ QL1A đến Đầm Hồng; bù lại TP. Hà Nội sẽ đối ứng bằng đất cho Công ty Hoàng Hà thực hiện dự án KĐT Bắc Đại Kim mở rộng.

"Những số liệu về việc chậm thực hiện nghĩa vụ thuế là chính xác. Hiện dự án nhà ở công an Quận Hoàng Mai vẫn chưa hoàn thành, chưa bàn giao. Trong thời điểm thị trường BĐS khó khăn nên doanh nghiệp chưa có nguồn tiền để nộp. Khi dự án bàn giao căn hộ cho khách hàng, chúng tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thuế đất để hoàn thiện thủ tục làm giấy chủ quyền cho người dân", ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Hoàng Hà cho biết.

Việc các doanh nghiệp BĐS có số nợ tiền sử dụng đất lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng với tiến độ trả nợ “ì ạch” cho thấy khả năng tài chính hạn chế của họ. Thiết nghĩ, TP. Hà Nội cần xem xét lại tính khả thi của các dự án này, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thì cần giao cho doanh nghiệp khác để dự án được sớm triển khai.

Các doanh nghiệp thường lấy lý do khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán… để giải thích khi được hỏi về tiền nợ thuế. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào cũng lấy lý do trên để chậm trễ trong việc nộp thuế thì ngân sách Nhà nước sẽ thất thu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các khoản chi cho các hoạt động công, phúc lợi xã hội và các hoạt động phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cũng tồn tại không ít doanh nghiệp dù dự án đã hoàn thiện, nhà đã bán, tiền đã thu nhưng nhưng vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước. Phải chăng các doanh nghiệp đang cố tình “lờ” đi khoản nợ này?

Việc nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể, tình trạng một số doanh nghiệp cố tình “chây ì” trong việc nộp thuế không chỉ gây thất thu, lãng phí cho ngân sách Nhà nước mà còn là hành động gây hại cho lợi ích từ những người đã chấp hành nghĩa vụ nộp thuế khác.

                                                                                                                        Buildtech.com.vn

Login Form