Cứ mở đường là lại phát sinh thêm nhà siêu mỏng
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Lê Văn Hoạt, giám sát việc tuân thủ pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý những trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo là việc rất phức tạp, khó khăn. Vì thế, tiến độ xử lý 192 trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tồn đọng trước năm 2005 rất chậm. Tới nay, vẫn còn tồn đọng 174 trường hợp chưa xử lý trên địa bàn 7 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Ông Hoạt cho biết, ngay cả việc hợp khối, hợp thửa được thành phố xem là giải pháp ưu tiên có quận làm tốt, hiệu quả nhưng cũng có quận triển khai đạt kết quả thấp. Thêm nữa, việc quản lý sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi vào mục đích công cộng như làm cây ATM, bảng tin... vẫn còn lúng túng, chưa đạt được mục tiêu cải tạo cảnh quan kiến trúc đô thị.
HĐND thành phố cho biết, qua việc kiểm tra, rà soát những tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Huyên, Kim Mã - Trần Phú; Thanh Nhàn; Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5... đã phát sinh thêm tất cả 442 trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo cần phải xử lý tiếp. Theo đại diện HĐND thành phố, điều đó cho thấy nhiều trường hợp mới phát sinh trong khi trường hợp cũ chưa được xử lý. Cứ có tuyến phố mới, cứ mở đường lại xuất hiện những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thừa nhận, hoạt động quản lý sau khi mở đường là một vấn đề rất phức tạp. Càng mở đường, càng phát triển thì lại càng xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo. Trước đây, chúng ta chỉ mới tập trung về vấn đề mở đường mà thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm cơ sở quản lý. Ông Hùng yêu cầu, thiết kế đô thị phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đầu tiên, phải ngăn chặn và sử dụng công cụ để quản lý, phải có thiết kế đô thị trước khi phê duyệt dự án. Nếu đủ tiêu chuẩn thì sẽ cấp phép, còn nếu không đủ tiêu chuẩn thì tiến hành thu hồi.
Cần có chế tài xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
UBND thành phố nhận định, chính sách không cho xây dựng và yêu cầu phải hợp khối, hợp thửa đối với nhà đất có diện tích nhỏ, mỏng là thỏa thuận của người dân sự nên không dễ triển khai, đặc biệt là trong khu vực nội đô. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đôn đốc các huyện, quận kiểm tra, hướng dẫn. Đối với các trường hợp tồn tại cũ, đoàn công tác yêu cầu các huyện, quận điều tra, khảo sát, phân loại nhằm đưa ra những đề xuất, chế tài. Việc này phải triển khai như một dự án.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo thực tế vẫn còn nhiều tồn tại nên việc kiểm tra, giám sát có tác dụng không những chỉ ra các thiếu sót mà còn phát hiện thêm các bất cập để tìm cách xử lý. Ông Thảo cho biết, theo kết quả giám sát của HĐND thành phố, một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc xử lý những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chậm tiến độ, đạt kết quả thấp là do nhiều nơi nhận thức về chủ trương này còn hạn chế. Vì thế, công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thiếu chủ động sáng tạo, thiếu quyết liệt khi đề ra những giải pháp xử lý để phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Buildtech.com.vn