Trong 4 tháng đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp chuyên phát triển BĐS đã có những động thái đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập dự án để chuẩn bị hàng hóa dồi dào, sẵn sàng trong giai đoạn thị trường BĐS hồi phục.
Chỉ là cái tên mới trong làng địa ốc Tp.HCM nhưng Công ty An Gia đã khá nhanh tay khi tham gia các thương vụ mua bán dự án. Doanh nghiệp này vừa công bố "săn" được 2 dự án ở khu Nam Tp.HCM, chuẩn bị xây dựng các căn hộ và bung hàng trong năm nay. An Gia đã bỏ ra 250 tỷ đồng thâu tóm block 2A - 2B và block 5 dự án căn hộ phức hợp Lacasa của Vạn Phát Hưng.
Năm ngoái, doanh nghiệp này này đã sở hữu 2 block gồm 390 căn hộ của Công Ty Nakyco với tổng trị giá 320 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 9/2014, doanh nghiệp này cũng từng bỏ ra 50 tỷ đồng mua lại dự án Tân Mai với quy mô 480 căn hộ của Công ty Phát triển nhà Tân Bình.
Một gương mặt quen thuộc khác là Công ty Hưng Thịnh cũng vừa tung ra hàng loạt dự án mà đơn vị này thâu tóm và hợp tác đầu tư. Tháng 4/2015, công ty đã giới thiệu và khai trương căn hộ mẫu Melody Residences tại Tân Phú, dự án này trước đây do Công ty CP Đầu tư -Thương Mại - Dịch vụ Điện Lực (PIST) làm chủ đầu tư.
Vào tháng 3/2015, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức mở bán căn hộ Sky Center tại Tân Bình. Chủ đầu tư cũ của dự án này là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (Waseco). Đến quý I/2015, Hưng Thịnh đã ký hợp đồng hợp tác và trở thành nhà phát triển dự án này. Dự kiến, trong khoảng 2 tháng tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục cho ra mắt 2 dự án mới tại quận 7. Đây là 2 dự án có vị trí khá đẹp tại khu Nam Sài Gòn và được mua lại từ Công ty Đức Khải.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp chia sẻ: “Năm 2015, Hưng Thịnh sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A cũng như hợp tác với nhiều dự án. Chúng tôi đang chuẩn bị các công tác để công bố các dự án tiếp theo, ít nhất là 8 dự án với nhiều phân khúc".
Một doanh nghiệp khác cũng nổi danh với các thương vụ mua bán dự án là Vạn Phát Hưng mới đây cũng đẩy nhanh tiến độ mua bán dự án. Công ty này cho biết sẽ bán 7 dự án trong năm nay, dự kiến mang về tổng doanh số hơn 1.000 tỷ đồng. Bù lại, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch mua thêm dự án mới. "Chúng tôi sẽ mua lại và tập trung phát triển các dự án quy mô nhỏ hơn nhưng có tính thanh khoản cao hơn. Các dự án mà chúng tôi hướng tới là dự án có sẵn điều kiện pháp lý. Chúng tôi chấp nhận phương án lợi nhuận thấp nhưng đảm bảo an toàn", ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Phát Hưng cho biết.
Là một đơn vị chuyên phát triển nhà phố, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền càng có tham vọng thâu tóm được quỹ đất lớn hơn các doanh nghiệp khác. Tuy đã sở hữu quỹ đất hơn 100 ha nhưng công ty này vẫn lập kế hoạch tìm mua thêm 100 ha đất sạch nữa trong năm 2015. Kế hoạch của doanh nghiệp này là trong năm 2015 nâng tổng quỹ đất lên hơn 200 ha.
Riêng Công ty Địa ốc Phát Đạt đã vạch rõ chiến lược trong 3 năm tới là phải đẩy mạnh săn lùng và phát triển các dự án mới. Lãnh đạo của Phát Đạt cho biết sẽ tập trung mua lại quỹ đất sạch có vị trí đẹp trong nội thành Tp.HCM với các tiêu chí: Diện tích trung bình dưới 10.000 m2, có quỹ đất sạch, đã hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng dự án trong vòng 6 tháng. Dòng sản phẩm chính của đơn vị này sẽ là các căn hộ có diện tích 60 - 80 m2, chất lượng cao cấp, giá cả hợp lý.
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh tiếp thị Công ty CP Địa ốc Thăng Long phân tích: "Thị trường mua bán dự án tại Tp.HCM đang nóng lên từng ngày. Chính nhu cầu giải phóng dự án cũ và săn tìm quỹ đất mới phục vụ cho chu kỳ hồi phục của BĐS đã khiến thời gian đàm phán các thương vụ diễn ra nhanh hơn".
Các doanh nghiệp cũng có "gu" thâu tóm dự án khác nhau, trong đó tập trung vào một số yếu tố chính như: Quy mô dự án từ nhỏ đến trung bình, có vị trí thuận tiện, kết nối hạ tầng tốt, có thiết kế thông minh, diện tích các căn hộ vừa phải, giá cả cạnh tranh... "Do nhu cầu bán (doanh nghiệp có nhu cầu về tiền mặt) và mua (doanh nghiệp muốn có quỹ đất sạch) đều lớn nên thị trường này trở nên nhộn nhịp hơn", chuyên gia này đánh giá.
Ông Tuấn Anh cũng nhận xét, xu hướng chung khi săn tìm dự án là tập trung tận dụng thế mạnh của quy trình hoạt động khép kín. Các chủ đầu tư mới thường có đội ngũ cung ứng vật tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế và lực lượng làm marketing, bán hàng khép kín để triển khai các dự án này. Đây là chiến lược dài hạn của nhiều doanh nghiệp nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh. "Khi thời gian thực hiện các dự án được rút ngắn lại thì sẽ giúp các đơn vị săn dự án tăng hiệu quả sử dụng vốn", ông Tuấn Anh giải thích thêm.
Lãnh đạo Công ty Thăng Long Real đánh giá, cuộc đua mua bán dự án tại Tp.HCM sẽ càng sôi động hơn khi bước vào giai đoạn giữa cuối năm 2015. Bởi lẽ, khi quy định cho phép cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài được mua và kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 tới, sân chơi này sẽ lộ diện thêm nhiều tay chơi mới là nhà đầu tư nước ngoài.
"Các doanh nghiệp phát triển BĐS đang chú trọng đến việc tiết kiệm chi phí cơ hội, đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng hóa để mở bán dự án sớm, tận dụng thời cơ, đón điểm rơi khi thị trường BĐS hồi phục nên thị trường M&A chắc chắn sẽ rất nóng", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Buildtech.com.vn