Cuối tuần qua, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã tổ chức cuộc họp để đi tới quyết định về việc thu hồi đất Dự án Biển Rạng của Công ty Philand. Đây cũng gần như là bước đi cuối cùng trong quy trình thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Biển Rạng. Dự án này vào cuối năm ngoái đã bị tỉnh Quảng Nam quyết định chấm dứt đầu tư.
Chủ đầu tư dự án này được nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2007 sau đó được khởi công xây dựng vào cuối tháng 7/2011. Dự án được đầu tư với số vốn lên tới 30 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn bị đình trệ, đến nay vẫn là một bãi đất trống. Chủ đầu tư không thể trả lời cho câu hỏi khi nào dự án được tiếp tục triển khai cũng như không thể trả lời thuyết phục về lý do dự án bị chậm tiến độ. Do đó, Quảng Nam đã phải định đoạt số phận dự án "rùa bò" này
Nếu như Dự án Biển Rạng đã được định đoạt số phận thì vẫn còn rất nhiều dự án FDI khác vẫn tiếp tục nhận được lời cảnh báo thu hồi, nhưng sau đó vẫn được gia hạn tiếp.
Một cái tên tiêu biểu được nhắc đến là Dự án Giấy và Bột giấy của nhà đầu tư Lee&Man với tổng số vốn đầu tư trên 620 triệu USD. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2007 và dự kiến năm 2009 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án này liên tục bị trì hoãn và đã nhiều lần bị UBND tỉnh Hậu Giang cảnh báo thu hồi. Từ năm 2011 đến nay, Lee&Man liên tục xin gia hạn, rồi lại cam kết. Lần xin gia hạn gần nhất của Lee&Man là cuối năm 2014 với cam kết khởi công lại Dự án vào tháng 4/2014 và hoàn thành vào năm 2015.
Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua đã diễn ra buổi làm việc giữa Lee&Man và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, theo đó, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang đã một lần nữa cảnh báo về việc dự án này tiếp tục chậm trễ triển khai. “Dù Lee&Man đã làm được một số việc để triển khai dự án nhưng tốc độ như vậy là quá chậm so với tiến độ cam kết và nguyên nhân chậm tiến độ lại hoàn toàn thuộc về phía Lee&Man".
Lại một lần nữa, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản giải trình những mặt được và chưa được, nguyên nhân chậm tiến độ. Ngoài ra tỉnh chốt thời hạn cho chủ đầu tư đến cuối năm phải khởi công tòa nhà văn phòng và xưởng sản xuất.
Chưa thể chắc chắn việc triển khai dự án có được thực hiện đúng như cam kết của chủ đầu tư hay không, nhưng rõ ràng, việc triển khai dự án này quá chậm trễ. Hệ lụy là 270 ha đất của dự án bị bỏ hoang nhiều năm, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, một dự án khác cũng bị đưa ra "cảnh báo đỏ" là Dự án Điện gió Phước Nam - Emfinity của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ). Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2011 với tổng số vốn đăng ký lên tới 266 triệu USD, tuy nhiên, đến hiện tại dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để bắt đầu triển khai khởi công.
Trong cam kết với chính quyền địa phương vào cuối năm 2011, nhà đầu tư này khẳng định, dự án sẽ được triển khai vàocuối năm 2012. Thế nhưng thực tế là họ vẫn tiếp tục thất hứa. Mới đây, chủ đầu tư dự án này lại tiếp tục xin gia hạn.
Tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho dự án được phép gia hạn, tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã yêu cầu nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện việc ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án. Đây là cơ sở để Ninh Thuận ký chứng nhận đầu tư điều chỉnh về tiến độ thực hiện Dự án.
“Nếu nhà đầu tư tiếp tục không đảm bảo những gì họ cam kết, tỉnh sẽ xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Nghị thẳng thắn bày tỏ. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, tập trung nguồn lực để triển khai dự án, đưa nhà máy vào hoạt động vào tháng 12/2016.
Trong khi đó, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) cho biết đang rất khá đau đầu với Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội. Dự án này đăng ký vốn đầu tư là 250 triệu USD. Tháng 9/2014 chủ đầu tư phải nộp thuê đất, nếu không tỉnh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Một lần nữa, chủ đầu tư dự án là Công ty Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ lại xin gia hạn, xin nộp tiền thuê đất vào cuối tháng 12/2014.
Ông Lý cho biết: “Chủ đầu tư đang thực hiện việc phát hành trái phiếu để vừa có tiền chi trả tiền thuê đất, vừa bổ sung vốn đầu tư cho Dự án”. Tính đến thời điểm này, Công ty Việt - Mỹ đã đổ vào dự án này trên 100 tỷ đồng.
Nhắc nhở, cảnh báo rồi thu hồi, đó là lộ trình đang được nhiều địa phương áp dụng cho những dự án FDI chậm tiến độ kéo dài. Việc khó khăn của chủ đầu tư trong bối cảnh hiện nay được thông cảm là điều dễ hiểu, tuy nhiên, việc liên tục cảnh báo rồi sau đó gia hạn sẽ khiến hiệu lực thi hành chính sách bị giảm tính hiệu quả và rất dễ tạo ra tiền lệ xấu. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải cương quyết thu hồi các dự án chậm trễ để dành cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực và nhu cầu.
Buildtech.com.vn