Tin mới

Tp.HCM: Khách sạn hạng sang giảm giá để tìm khách

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, giá thuê khách sạn tại Tp.HCM trong Quý I/2015 chỉ đạt trung bình khoảng 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tương đương 82 USD, tức đã giảm khoảng 5% theo quý và giảm khoảng 7% so với 12 tháng qua.

Trên toàn địa bàn Tp.HCM hiện có 99 khách sạn (từ 3-5 sao) với tổng nguồn cung khoảng 13.100 phòng. Savills ghi nhận, các khách sạn này đều hoạt động yếu hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, công suất thuê trung bình đã giảm khoảng 4%, trong đó phân khúc 4 sao giảm sâu nhất bị trừ đến 6 điểm %.

Theo Savills, giá thuê phòng tại các khách sạn hạng sang của Sài Gòn cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm giá thuê. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Tp.HCM chỉ đạt 7,5% trong 2 tháng đầu năm, tức thấp hơn cùng kỳ của các năm 2013-2014 khoảng 9-11%.

Nguyên nhân thứ hai là việc xây hàng rào chắn công trường trên các tuyến đường gần dự án metro số 01 ở khu trung tâm đã khiến địa bàn vốn có nhiều khu lưu trú nhất Tp.HCM bị mất khách. Cũng vì thế mà hàng loạt khách sạn đã chủ động hạ giá thuê phòng nhằm kích cầu thị trường khiến giá thuê phòng toàn thị trường bị giảm sút.

Theo dự báo của đơn vị tư vấn này, Tp.HCM vẫn đang tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thành phố du lịch khác trong nước có sân bay quốc tế như TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Nha Trang và Phú Quốc.

                                                                                                                                Buildtech.com.vn

Ai được lợi khi dự án được bảo lãnh tại ngân hàng?

Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Theo đó, tất cả các dự án bán hàng theo hình thức nhà ở hình trong tương lai đều phải được bảo lãnh tại ngân hàng, cụ thể, ngân hàng sẽ trả lại tiền cho người mua nhà nếu dự án không được thực hiện đúng như cam kết.

Quy định này được đánh giá là sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng dự án "treo", dự án không biết khi nào bàn giao nhà cho người mua. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ có tác động lớn tới thị trường BĐS trên nhiều phương diện. 

Dự án được bảo lãnh tại Ngân hàng sẽ tránh rủi ro cho khách hàng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu, chủ đầu tư sắp tung sản phẩm ra thị trường đúng lúc Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực đã liên hệ tới các ngân hàng để tìm hiểu thông tin. Đến nay, các ngân hàng được doanh nghiệp liên hệ chưa đưa ra được con số cụ thể nhưng có xác nhận rằng mức phí bảo lãnh sẽ dao động trong khoảng từ 1 - 2% tổng mức đầu tư của cả dự án. Theo tính toán, nếu mức phí bảo lãnh là 2%, thì mỗi mét vuông căn hộ sẽ tăng giá khoảng 600.000 đồng. Ông Hiệp cho hay, nếu ban đầu định bán căn hộ với giá là 30 triệu đồng/m2 thì sau quy định này sẽ phải bán với giá 30,6 triệu đồng/m2.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó TGĐ Tập đoàn FLC cho rằng, nếu phí bảo lãnh cao thì các chủ đầu tư sẽ phân bổ chi phí này vào giá thành của sản phẩm và người mua nhà chính là đối tượng sẽ chịu chi phí này.

Từ khía cạnh là người mua, anh Nguyễn Tấn Hùng, người đang có nhu cầu mua nhà bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định này. “Mặc dù giá nhà có thể sẽ tăng thêm nhưng được đảm bảo an toàn thì cũng không sao. Hình thức này cũng giống mua bảo hiểm cho nhà vậy, tôi tán thành luôn. Ở các nước phát triển, khi tham gia vào các giao dịch BĐS, người dân thường tìm đến dịch vụ tư vấn và sẽ chi trả khoản tiền nhất định cho luật sư để có sự đảm bảo về mặt pháp lý và giảm thiểu rủi ro. Trong trường hợp này, ngân hàng bảo lãnh thì cũng có thể coi như giúp người mua bớt được một khâu tư vấn, bớt được thời gian và chi phí cho dịch vụ này”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Trong điều kiện thị trường BĐS đang thừa nguồn cung như hiện nay, quy định này là một điểm "siết" cần thiết. Có một số ý kiến cho rằng điều này làm khó chủ đầu tư dự án nhưng sự thật thì không đúng như vậy. Nếu quy định này được thực hiện sẽ hạn chế các đầu tư yếu kém, không đủ năng lực, đảm bảo quyền lợi cho người mua, giảm nguồn cung "ảo" trong khi hàng tồn kho hiện nay còn nhiều. Còn với các chủ đầu tư uy tín thì các ngân hàng đều sẵn sàng hợp tác vì bảo lãnh hoàn toàn khác với đặt cọc. Đặt cọc là việc doanh nghiệp phải gửi một "cục tiền" vào ngân hàng và số tiền này sẽ bị "đóng băng". Còn bảo lãnh thì doanh nghiệp chỉ cần trả phí cho ngân hàng. “Đã đến lúc doanh nghiệp và người dân làm quen với việc trả phí cho dịch vụ để được hưởng những tư vấn tốt nhất về pháp lý và tránh rủi ro như bảo lãnh ngân hàng hay thuê luật sư”, Thứ trưởng Nam nói.

Cần có hướng dẫn cụ thể về việc bảo lãnh cho dự án của ngân hàng

Trên thực tế, từ khoảng 3 - 5 tháng trước khi Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực, đã có nhiều dự án nhà ở được ngân hàng bảo lãnh tiến độ và chủ đầu tư đã có cơ sở để cam kết với người mua, thậm chí đã đưa các điều khoản quy định về chậm tiến độ vào hợp đồng mua bán. Ví dụ như Ngân hàng Indovina bảo lãnh dự án chung cư 89 Phùng Hưng, Ngân hàng Maritime Bank bảo lãnh cho dự án Goldmark City…

Vấn đề đặt ra là trên thực tế vẫn có những khách hàng không cần bảo lãnh của ngân hàng mà vẫn tin tưởng vào năng lực của chủ đầu tư. Bản thân nhiều chủ đầu tư cũng mong chờ Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS ra đời sẽ có quy định cụ thể hơn về phí bảo lãnh, làm sao để mức phí này không quá cao, làm cho giá BĐS bị đội lên, gây bất ổn cho thị trường, đồng thời, tránh nguy cơ khoản phí này trở thành gánh nặng cho các chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần phân loại các dự án nhà ở ra thành các loại như loại dự án bắt buộc và không bắt buộc phải mua bảo lãnh. Quy định của luật không nên đánh đồng các chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính với các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, cần có quy định hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn để có thể phân tách rạch ròi, những doanh nghiệp nào bắt buộc phải có bảo lãnh của ngân hàng, những doanh nghiệp nào không cần phải bảo lãnh. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp đã nằm trong danh sách “đen” của khách hàng như giao nhà chậm, sử dụng vốn sai mục đích… dù đã khắc phục được sai phạm nhưng khách hàng vẫn không tin tưởng họ. Những DN này bắt buộc phải được bảo lãnh khi tiến hành xây dựng và bán những sản phẩm mới, để khách hàng có cơ sở mà tin họ. Thứ hai, những doanh nghiệp mới ra đời, chưa biết năng lực thế nào thì cũng rất cần chế định bảo lãnh. Thứ ba, các doanh nghiệp hoạt động làng nhàng, khách hàng không hoàn toàn tin tưởng, nên nếu không có ngân hàng bảo lãnh, thì khách hàng sẽ quay sang chọn sản phẩm của doanh nghiệp khác.

“Ba trường hợp doanh nghiệp trên rất cần và bắt buộc phải thực hiện quy định bảo lãnh. Nhưng cũng không nên vì tâm lý “con sâu làm rầu nồi canh” mà bắt tất cả các doanh nghiệp BĐS đều phải thực hiện chế định bảo lãnh. Tôi mong các nhà hoạch định chính sách có thể lưu ý những điểm này khi ban hành văn bản hướng dẫn, để quy định hợp tình hợp lý hơn. Liên quan đến việc làm sao để biết được đơn vị nào đàng hoàng, đơn vị nào uy tín thì cứ để thị trường quyết định. Nếu khách hàng nhận thấy doanh nghiệp BĐS không đủ uy tín hoặc không có bảo lãnh, họ sẽ không mua sản phẩm của doanh nghiệp ấy”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ quan điểm.

                                                                                                                    Buildtech.com.vn

Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bước sang giai đoạn mới

Ngày 6/4, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Tp.HCM đã triển khai đúc đốt dầm đầu tiên trong tổng số 4.563 đốt dầm của Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Với sự kiện này, dự án đã chính thức bước sang một giai đoạn mới đặc biệt quan trọng.

Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Tp.HCM Bùi Xuân Cường cho hay, hạng mục này thuộc gói thầu số 2 “xây dựng đoạn trên cao và depot” của Dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (bắt đầu từ Ba Son qua sông Sài Gòn chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội tới depot Long Bình), tổng chiều dài 17,1km. Để thực hiện gói thầu này, tổng số lượng đốt dầm sẽ được đúc ở bãi đúc là 4.563 đốt (tương ứng với 372 nhịp cầu), dự kiến thực hiện trong thời gian 2 năm.

Đốt dầm có mặt cắt hình chữ U, chiều rộng đáy dầm 9,540m, chiều dài dầm 11,100m, chiều cao 2,030m. Những đốt dầm này sẽ được đúc sẵn ở bãi đúc (depot Long Bình, quận 9, Tp.HCM) với mác là bê tông thiết kế 45Mpa được nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế. Phần thực hiện đúc và lao dầm sẽ do liên doanh FVR triển khai. Khi đúc xong, dầm sẽ được chở ra công trường bằng xe tải chuyên dụng để thi công, lắp đặt.

Theo kế hoạch, gói thầu số 2 gồm có 5 cầu dầm liên tục với khẩu độ lớn, 14,5km cầu cạn, 11 nhà ga trên cao và 1 depot có diện tích 27,4 ha. Trong đó, các dầm cầu sẽ được chia nhỏ thành 13 đốt dầm, gồm 11 đốt giữa dài 2,850m và 2 đốt đỉnh trụ dài  1,775m. Còn 12km cầu cạn sẽ được thực hiện bằng biện pháp lao lắp tại hệ dàn giáo di động. Mỗi nhịp bao gồm 13 đốt dầm được liên kết vĩnh cửu với nhau bằng keo epoxy, khóa chốt cắt và cáp dự ứng lực dọc dầm. Mỗi dầm U điển hình 35m với trọng lượng khoảng 500 tấn, mỗi đốt dầm sẽ có trọng lượng khoảng 42 tấn.

                                                                                                                          Buildtech.com.vn

 

Tp.HCM đấu giá 7 khu đất tại huyện Bình Chánh và quận 2

Mới đây, UBND Tp.HCM đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện lập thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng 3 khu đất tại huyện Bình Chánh và 4 khu đất tại quận 2.

Theo đó, 3 khu đất tại huyện Bình Chánh bao gồm: Khu 3.120m2 trong 5.623m2 đường 5B nằm trong gói thầu 2B - Khu Trung tâm hành chính huyện Bình Chánh; Khu 14.848,6m2 tại xã Vĩnh Lộc B và Nhà, đất bệnh viện Bình Chánh.

Các lô đất tại quận 2 bao gồm: Khu tái định cư số 4 có quy mô 59.309,65m2; Khu tái định cư số 1 có quy mô 45.194m2; Khu Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Hành chính - Y tế có quy mô 28.088m2 và Phần quy hoạch chợ có quy mô 10.178,76m2.

                                                                                                                                  Buildtech.com.vn

Giá căn hộ sẽ tăng do phải "gánh" thêm chi phí bảo lãnh?

Kể từ ngày 1/7 tới, khi Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực, tất cả các dự án BĐS chào bán trên thị trường sẽ buộc phải mua bảo hiểm bảo lãnh cho người mua căn hộ tại dự án.

Thực tế từ trước đến nay của thị trường BĐS, đã có không ít chủ dự án đứng ra nhận tiền góp vốn theo tiến độ của người mua nhà, nhưng sau đó thi công dự án chậm trễ, không bàn giao nhà đúng hẹn khiến khách hàng chịu thiệt thòi. Đó là chưa kể, có những dự án nằm đắp chiếu "vô thời hạn", người mua nhà không chỉ mất tiền lại mất thêm thời gian đi "đòi nợ".

Để hạn chế những bất cập trên, sắp tới, tất cả các dự án BĐS chào bán căn hộ trên thị trường sẽ phải mua bảo hiểm bảo lãnh cho khách mua nhà. Quy định này bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7 tới, khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Nhà ở và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, nếu chủ dự án vì lí do nào đó không thể bàn giao nhà đúng như tiến độ cam kết trong hợp đồng, hoặc gặp phải rủi ro không thể tiếp tục thực hiện được dự án, thì phía ngân hàng bảo lãnh sẽ phải đứng ra hoàn trả lại tiền mà người mua đã đóng góp.

Theo các chủ đầu tư- đối tượng liên quan trực tiếp đến quy định trên, họ cũng rất quan tâm và đã chủ động liên hệ với các ngân hàng để nắm được mức chi phí cụ thể như thế nào. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác. Đa số các chủ đầu tư đều có chung nhận định, giá bán nhà rất có thể sẽ bị đội lên cao hơn do các doanh nghiệp phải cộng bù thêm khoản chi phí bảo lãnh.

Đại diện phía các doanh nghiệp BĐS, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó TGĐ Tập đoàn FLC cho rằng: "Hiện tại, các ngân hàng vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể về chi phí bảo lãnh chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng giá trị bảo lãnh. Trường hợp khoản chi phí này quá cao sẽ khiến cho giá đầu vào sản phẩm của chủ đầu tư tăng cao, gián tiếp chi phí này khách hàng sẽ là người phải chịu. Bởi vì, đương nhiên các chủ đầu tư sẽ tự phân bổ chi phí bảo lãnh vào giá bán căn hộ".

                                                                                                                     buildtech.com.vn

Login Form